1. Toàn bộ tác phẩm “Chinh phụ ngâm khúc” của Đặng Trần Côn, với bản dịch của Đoàn Thị Điểm đã rất nổi tiếng. Cho đến nay, đã có rất nhiều tác giả biên khảo, chú thích, bình luận và dịch lại nữa. Điều khó khăn với người Việt nói chung, là khó tiếp cận văn bản gốc, do vậy phần lớn đọc và cảm cái hay của bản dịch Đoàn Thị Điểm. Tuy nhiên, tôi cho rằng, bản dịch của Đoàn Thị Điểm, xét về tính chất lao động nghệ thuật, cũng như tác phẩm “Kiều” của Nguyễn Du, phải là một tác phẩm sáng tạo lại, và nên được tồn tại độc lập với bản gốc chữ Hán. Nhưng vấn đề này chỉ nêu qua, sẽ bàn vào một dịp khác. Ở bài này, tôi muốn nêu ra, như một giả thuyết về cách hiểu, cách dịch của một câu trong “Chinh phụ ngâm”.
Từ câu 144 đến 147:
Vấn quân hà nhật quy
Quân chỉ đào hoa hồng
Đào hoa dĩ bạn Ðông phong khứ
Lão mai giang thượng hựu phù dung
Đoàn Thị Điểm dịch:
Thuở đăng đồ mai chưa dạn gió
Hỏi ngày về chỉ độ đào bông.
Nay đào đã quyến gió đông,
Phù dung lại đã bên sông bơ xờ.
Theo cách chia khúc của Hoàng Xuân Hãn (Chinh phụ ngâm bị khảo), đây là đoạn thơ trong khúc Hoài tưởng. Nguyên tác từ câu 122 đến 171, tương ứng bản dịch Đoàn Thị Điểm từ câu 111 đến 148.
Với người đọc ngày nay, câu “Thuở đăng đồ mai chưa dạn gió” rất khó hiểu. “Đăng đồ” muốn nói lên đường đi xa. Bản dịch lấy ý sau bản gốc để lập ý này, khi mà đối đáp của chồng và vợ xảy ra vào thời điểm trước mùa đông. Ba câu thơ đầu tiên này, nếu dịch nghĩa từ bản chữ Hán thì rất dễ hiều, đại ý: Hỏi chàng bao giờ về, chàng bảo khi hoa đào nở (đông- xuân), nay đào hoa cùng gió đông đã qua rồi…
2. Đến đây, tôi muốn trao đổi về câu thơ “Lão mai giang thượng hựu phù dung”
Đoàn Thị Điểm dịch: “Phù dung lại đã bên sông bơ sờ”
Đó là hình ảnh hoa phù dung bên sông bơ vơ, xác xơ. Nghĩa chữ bơ sờ liên tưởng đến điều đó. Tất nhiên, có thể thấy đây là một trong những câu thơ dịch không đạt của Đoàn Thị Điểm. “Lão mai” đâu? Bản dịch làm mất “mai già”. Trên nguyên tác “giang thượng”, lại thành “bên sông”. Không ổn. Đoạn 4 câu này càng không ổn khi có đến 2 câu dịch dở.
Trong quá trình tìm kiếm tra cứu về bản dịch, tôi tìm thấy một đoạn trao đổi liên quan đến nội dung trên đây.
Theo Tập san Văn sử địa số 32, tháng 9/1957 của Ban Nghiên cứu Văn Sử Địa Việt Nam, do ông Trần Huy Liệu làm Tổng biên tập, có bài “Góp thêm ý kiến về việc hiệu đính và chú thích Chinh phụ ngâm (Bộ Giáo dục xuất bản 1957)”, phần bài mang tít nhỏ: “Tôi không đồng ý với cụ Hoàng Ngọc Phách”, của tác giả Lê Văn Hòe. Bài của ông Lê Văn Hòe không đồng ý với cụ Hoàng Ngọc Phách, bởi vì trong bản Chinh phụ ngâm xuất bản 1957 trên đây, cụ đã để phần dịch câu “Lão mai giang thượng hựu phù dung” là “Tuyết mai trắng bãi, phù dung đỏ bờ”. Ông Hòe cũng dẫn ra để tranh luận với một tác giả khác là ông Nguyễn Văn Lai trong số tạp chí trước, cũng có ý kiến phản đối câu dịch đó, vì lý do “hành văn lạc điệu”
Ông Lê Văn Hòe cũng phản bác luôn cả bản dịch nghĩa của Hoàng Xuân Hãn: “Mơ già bên sông, lại có phù dung nở”, với lý do chữ “giang thượng” không phải là “bên sông”
Vậy ông Lê Văn Hòe lý giải thế nào? Theo ông Hòe, trong ngữ vựng Trung Quốc, phù dung chỉ hoa sen (?), “cũng như phù cừ, hay liên, hay hà, là thứ hoa nở vào mùa hạ”. Phù dung ở Việt Nam chỉ thứ hoa trên cạn, thì thứ hoa phù dung đó, Trung Quốc gọi là “mộc phù dung”, còn phù dung nở trên mặt nước, phải là “hoa sen”. Vậy câu “Lão mai, giang thượng hựu phù dung” phải hiểu là: “Mai già, trên sông còn có hoa sen cũng lại già”
Ông Lê Văn Hòe phản bác cụ Hoàng Ngọc Phách như vậy, nhưng cũng không đề xuất dịch “phù dung” là “hoa sen”, mà chỉ nêu ý kiến nên lấy lại câu của Đoàn Thị Điểm, có hiệu đính là: “Phù dung lại RÃ TRÊN sông bơ sờ”, thay “đã bên” bằng “rã trên” mới đúng với tinh thần “giang thượng” là “trên sông”, và chữ “hựu”, hàm nghĩa “phù dung hựu lão”, phải là “rã”.
Tóm lại, các vị học giả băn khoăn cấn cá vì chữ “phù dung” đi liền với chữ “giang thượng”, nên từ Đoàn Thị Điểm đến Hoàng Xuân Hãn, đều bỏ chữ “giang thượng” mà dùng chữ “bên sông”. Năm 1957, ông Lê Văn Hòe thì lý giải, phù dung phải là hoa sen mới đúng với câu thơ vì nói đến thứ hoa phù dung nở “trên sông”, và đề nghị sửa câu dịch của Đoàn Thị Điểm.
3. Tuy nhiên, sau cuộc trao đổi năm 1957 mà Tập san Văn Sử Địa dẫn ra trên đây, không thấy ý kiến trao đổi nào về việc hoa phù dung thật sự là hoa gì, và hầu như các văn bản đều trích dẫn bản dịch của bà Đoàn Thị Điểm: “Phù dung lại ĐÃ BÊN sông bơ sờ”. Có thể nguyên nhân là, mặc dù ông Hòe có vẻ đúng về việc “bên sông” không phải là “giang thượng”, nhưng cái ý phù dung trên sông chính là hoa sen thì chắc ít ai tin, và chính ông Hòe cũng không đề nghị dịch là hoa sen.
Tôi có một chứng nghiệm thực tế rất tình cờ, một lần đi Triết Giang về việc làm phim, đi cùng với một đoàn khách, trong đó có người Trung Quốc biết tiếng Việt, có người Việt biết tiếng Trung Quốc, đặc biệt có người Trung Quốc ở vùng Triết Giang. Anh này chỉ cây hoa phù dung như ở Việt Nam, nói rằng đó là “mộc phù dung”, nhưng lại chỉ xuống bờ kênh đầy nước, chỉ vào đám rong rêu mà nói: “Còn kia là phù dung. Phát âm tiếng địa phương giống với cây hoa phù dung”. Người Trung Quốc biết tiếng Việt giải thích: Phù dung, tiếng Mân- Việt đều là cây rong, cây rêu nước (Việt ngữ ở đây là tiếng Quảng Đông)
Ngay lập tức, tôi tra từ điển Hán- Nôm- Việt Thiều Chửu trên mạng, thì mặt chữ “dung” 蓉 trong chữ “phù dung” 芙蓉 cũng chú giải nghĩa Nôm là “rong rêu”.
Như vậy, phải chăng là Đặng Trần Côn đã dùng từ “phù dung” đơn giản nghĩa chính là “rong rêu”. “Lão mai, giang thượng hựu phù dung”, cây mai (thì) già, trên sông lại nổi rong rêu, một cảnh thê lương hợp với lòng người thiếu phụ đợi chờ. Nếu mùa hạ, cữ sang thu, là mùa nước nổi, kéo theo rong rêu ở thượng nguồn trôi về, thì đúng với văn cảnh câu bài thơ. Ai biết về vấn đề này xin chỉ rõ, tôi hết sức lắng nghe.
Quân chỉ đào hoa hồng
Đào hoa dĩ bạn Ðông phong khứ
Lão mai giang thượng hựu phù dung”
Trước kia, quan niệm dịch thơ chữ Hán, kể cả thơ Đường, nhiều học giả dịch ra lục bát. Đoàn Thị Điểm thì dịch ra song thất lục bát. Chuyển nghĩa đến độ sáng tạo lại hoàn toàn. Ngoài việc chẻ nghĩa cho sát, một khiếm khuyết chính là làm mất hoàn toàn nhịp thơ, hơi thơ trong nguyên tác. Bài “Chinh phụ ngâm khúc” của Đặng Trần Côn hoàn toàn có thể dịch ra thể thơ tương tự với nguyên tác, giữ lại nhịp điệu, hình thức thơ, phù hợp với độc giả ngày nay quen với thơ tự do (Tôi cũng có một bản dịch riêng, giữ riêng cho mình). Với những ý kiến coi như giả thuyết về “phù dung” trong câu thơ 147 ở nguyên tác, có thể dịch như sau:
“Hỏi chàng ngày nào về
Chàng hẹn mùa hoa đào
Hoa đã cùng gió Đông đi mất
Mai già, sông lại nổi rêu rong…”
- Viếng bạn Vũ Kim Hào (28/11/2014 | 03:10:00)
- Tự vịnh (11/5/2014) (11/05/2014 | 02:10:00)
- Tiễn bạn (II) (14/04/2014 | 12:44:00)
- Tiễn bạn (I) (14/04/2014 | 12:42:00)
- Mơ (23/10/2013 | 05:09:00)
- Thu (23/10/2013 | 05:09:00)
- Bàn chút ít về bản dịch Tỳ bà hành (16/09/2013 | 09:58:00)
- Mùa thu bên cửa (19/08/2013 | 09:09:00)
- Ký ức Móng Cái (22/07/2013 | 10:01:00)
- Lên đồng (25/06/2013 | 11:17:00)
- Bài thơ thay cho tấu sớ giúp dân kêu xin với... bố vợ là quan lớn (12/06/2013 | 11:53:00)
- Nỗi lòng (31/05/2013 | 08:18:00)
- Tự vịnh 11/5/2013 (11/05/2013 | 08:49:00)
- Kinh Thày con sông quê (02/05/2013 | 11:03:00)
- Đêm trăng suông (17/03/2013 | 03:08:00)
- Quốc phá, sơn hà tại (Dịch bài thơ Xuân vọng của Đỗ Phủ) (13/03/2013 | 11:55:00)
- Tháng Hai gọi sấm (10/03/2013 | 09:09:00)
- Bài thơ Khai bút Mồng một Quý Tỵ (12/02/2013 | 07:35:00)
- Dịch bài thơ "Bán bán ca" của Lý Mật Am (27/01/2013 | 08:55:00)
- Dịch bài thơ Mưa dầm đêm cảm tác của Cao Bá Quát (16/01/2013 | 11:25:00)