1.
Tôi đến gặp ông Tô Đức Chiêu lần đầu tiên khi ông làm Chánh văn phòng Hội Nhà văn. Đó là một người ít dáng dấp văn nghệ sĩ nhất mà tôi gặp. Không trịnh trọng, không chải chuốt, không lôi thôi như các anh văn nghệ thông thường. Ông Chiêu cao lớn, đi lại mạnh bạo, ăn nói dứt khoát. Có ấn tượng ngay đó là một người ưa hành động. Hôm ấy tôi đã rất ngạc nhiên vì sao Hội Nhà văn lại có một người có phong cách công chức đến thế làm Chánh văn phòng. Công việc của anh văn phòng đúng là một tên đầu bếp, phải dọn món, phải chọn khẩu vị cho thực khách. Anh văn phòng cũng như làm dâu một đại gia đình, ai cũng có thể sai khiến, việc gì không tên thì đến tay. Hồi ấy cơ quan tôi cũng đang khuyết chân Phó văn phòng, tôi nhìn thấy ông Tô Đức Chiêu một hình ảnh mà cơ quan tôi rất cần. Nhưng lạ thay ở Hội Nhà văn lại có người như vậy.
Nhưng con người cao to quán xuyến ấy lại viết văn rất nhẹ nhàng. Những bài bút ký ông Chiêu đưa tôi đăng báo được viết rất kỹ, có phần ít tính báo chí, mà nhiều văn chương. May thay, với một tờ báo kinh tế, loại viết như vậy rất hiếm. Ông Chiêu đến tận nơi lĩnh nhuận bút, lại còn cẩn thận gọi điện báo “cậu không phải bận vì tớ”.
2.
Mỗi nhà văn đều có một miền quê suối nguồn cho tác phẩm, với ông Tô Đức Chiêu, đó là bầu trời của quân chủng phòng không và quê hương Hải Dương. Đọc sách của nhà văn Tô Đức Chiêu, như thể nghe thấy hơi thở một thời của thị xã Hải Dương và một vùng Cẩm Giàng sát thị xã nhỏ bé. Nhiều lần về qua Hải Dương thành phố, tôi lại nhớ tới những trang viết ấm áp tình người, tình đất của ông. Nơi những ngôi nhà cao của Công ty Nam Cường bây giờ, Tô Đức Chiêu đã tả thời của ông là những ao đầm hoang dại, những con cá con cua từ đó theo ông vào trang sách.
Tôi đã cùng nhà văn Tô Đức Chiêu lang thang ở cái thị xã nhỏ bé ấy, đi xa hút về phía nghĩa trang trên đường đi Gia Lộc. Nơi đó những người thân yêu thế hệ trước của ông đã yên nghỉ. Một thời, họ là địa chủ, những phú ông giàu có của một vùng không giàu có. Tô Đức Chiêu có dự phần trách nhiệm về sự giàu có ấy, đó là sự sang ngang không được học lên, chuyện thường thôi của một thời đã qua rồi.
Đó là một ngày cuối năm, ông Chiêu và tôi lần mò trong nghĩa trang thắp hương vái linh hồn những tiền nhân. Ông Chiêu thủ thỉ kể về các cụ giữa không khí nhuốm màu trang nghiêm, huyền bí của nghĩa trang chiều xẩm tối. Tôi đọc thấy trong lời nói của ông Chiêu sự tự hào, bởi vì ước nguyện của các cụ là các con phải học, chứ không phải là mong muốn làm giàu. Của cải rồi sẽ biến động, như ngôi nhà ở phố Quang Trung xa xưa của nhà ông nay đã cũ quá rồi mà không xây lại được, nhưng có tri thức thì còn mới mãi, dày dặn mãi. Con người cao to mạnh mẽ này tưởng như không có gì lay chuyển được, thì lại là người dễ động lòng nhất. Tôi đã thấy ông Chiêu sống với thời gian đa chiều, với ký ức và hiện tại trộn lẫn nhau trong một khoảng khắc trở về quê quán, trong giây phút ấy, tôi bỗng nghĩ nhà văn là con người đáng trọng, bởi vì bao giờ nhà văn cũng nghĩ đến hồn người. Nhà văn không chỉ biết tiêu thụ tiền của vật chất của cha ông, mà nhà văn tiêu thụ cái phần hồn của thế hệ trước để lại. Ông Chiêu đã ngấm cái hồn thiêng hiếu học của người xưa, nên dù cho ông không vào trường đại học, cuối cùng ông thành một nhà văn.
3.
Nhà văn Tô Đức Chiêu là nhà văn có tác phong chất phác. Ông nói rằng, cuộc sống không biết đến quan chức đã rèn cho ông tâm lý mình là một người của đám đông. Một lần đi dự lễ hội ở tỉnh xa, là nhân vật được mời, nhưng tôi thấy ông Chiêu chuẩn bị một cái bánh chưng. Sáng ra, ông bóc bánh chén ngon lành, bảo chủ nhân rằng cậu không phải tiếp đón quái gì tớ, đi mà lo cho “các ông ấy”. Ông Chiêu bảo tôi: “Tớ nói thật đấy. Mấy lão ấy không có ăn sáng tử tế thì nguy, bởi vì các lão được chăm sóc kỹ. Phải lo cho họ, rồi thì việc nào ra việc ấy mình mới đỡ khổ”. Đó là tâm lý “được việc” của ông Chánh văn phòng.
Ông Tô Đức Chiêu quả là một con ong thợ cần mẫn giữa một bầy bướm sặc sỡ ở cơ quan Hội Nhà văn. Ông nhận việc, biết bắt đầu thế nào, làm từng thao tác gì để đạt đến mục đích. Xung quanh toàn những tên tuổi lớn, bạn đọc thấy họ trên báo, trên sách đã giật mình, còn ở cơ quan Hội, chả mấy khi thấy các bác ấy đâu cả. Nhưng rất lạ là ông Chiêu không trách móc thật sự ai vì việc họ quên việc. Nhà văn là như vậy thôi, việc lơ mơ là thường. Nếu có bực ai, ông ấy chỉ cau mặt nói: “Thằng ấy sao nó lại như vậy nhỉ”.
Ông Chiêu có cách nói khiến người ta nhận ra thực chất vấn đề. Tôi đã nghe qua người khác kể lại rằng, một lần, có một nhà văn đã quá cố, bà quả phụ đến xin Hội Nhà văn hỗ trợ. Nhà đã xây, tiền đã hỗ trợ, nhưng ý chừng bà ấy muốn Hội hỗ trợ thêm, diễn tả là xin tiền để đủ tiền công xây cái hàng rào. Tiễn bà ấy về rồi, có người hỏi vì sao từ chối. Ông Chiêu bảo Hội có thể hỗ trợ thì đã hỗ trợ, nhà nước ưu đãi thì đã ưu đãi, nhà xây rồi, vườn rộng rồi, còn cái hàng rào muốn hỗ trợ nhân công thì tôi đề nghị ông Nam (Vũ Tú Nam- lúc đó là Tổng Thư ký Hội Nhà văn) đi làm thợ nề, ông Điềm (Nguyễn Khoa Điềm) đi đánh vữa, ông Thỉnh (Hữu Thỉnh) đi phu hồ, còn anh em mình thôi thì đi chuyển gạch, nấu cơm nấu nước cho các ông ấy xây tường rào.
Tôi có thời gian tiếp xúc với ông Tô Đức Chiêu khi ông về Ban sáng tác. Ông Chiêu làm việc nhiều hơn bất cứ ai, hơn dăm ba người, bảy tám người khác cộng lại. Ông thường nói về những nhà văn xung quanh là “lão”. “Cái này tôi gửi lão Thỉnh rồi”, hoặc “cái này lão Hồ cầm, chưa đưa cho tôi”, hay “lão Phương lâu rồi không thấy mặt”
Từ “lão” với ông Chiêu nghe rất đằm thắm, ai nghe ông Chiêu nói về các “lão” cũng lây cái chất gần gũi của ông. Có cái gì đó thương mến, thân thiết như những người anh em, cùng một hội một thuyền. Những “lão Kháng, lão Lê, lão Thắng”, “lão Hàm” còn cánh trẻ, nếu ông mến thì gọi là “thằng”, là “con”. Ai được ông Chiêu gọi là “thằng” thì chắc là người tử tế.
Tôi cũng lây cái câu “lão” của ông Chiêu. Rồi tôi gọi “lão Thỉnh”, “lão Kháng”, “lão Hồ” lúc nào không biết, giữa đám trà dư tửu hậu. Nó cứ buột miệng ngon ơ đi, trong lòng yên ổn kiểu ông Chiêu, mà sau này mới biết có người ngồi đó đã nghĩ khác. Chuyện thế nào cũng đến ông Hữu Thỉnh. Căn vặn mãi rồi cũng lộ ra nguồn, hoá ra là tôi gọi ông Thỉnh là “lão Thỉnh”. Tôi đã sai bởi vì tôi không phải ông Chiêu, vì tôi là đứa trẻ ranh chứ không phải là một ông già, từ tôi đến các ông nhà văn lớn tuổi ẩy là một khoảng cách xa không đo được. Mà tường nhà bao giờ cũng có tai…
Ông Chiêu phân các nhà văn thành hai loại, một bên ông gọi là “lão”, là “thằng”, một bên ông hoặc là không nói gì đến, hoặc gọi trịnh trọng bằng cả cấp hàm, tên tuổi rõ ràng. Ông giải thích: “Đó là siêu nhân rồi”. Tôi hay đùa ông, hỏi thêm mấy câu, thế là ông bảo: “Thằng này lằng nhằng, đã là siêu nhân thì còn bàn gì nữa”.
4.
Ông Chiêu cũng như nhiều nhà văn thuộc thế hệ ông mà tôi gặp là những người rất trọng tình. Ông lần mò đến nơi, trắc ẩn vì nhà văn viết cuốn “Phù Sa” đang sống ở Hải Dương. Khi nghe tin Hãng phim làm phim 50 năm Hội Nhà văn, ông Chiêu bảo: “Cố gắng nhớ đến những người đã dự đại hội khoá 1 còn sống, không còn mấy đâu, ví như ông Sao Mai, và còn ông gì ở Lạng Sơn để tao nhớ lại”
Khi đọc văn của một người trẻ ở Hải Dương, nhà văn Tô Đức Chiêu rất hăng hái giới thiệu, rồi đi đâu cũng nhắc đến. Tôi hỏi kỹ, mới biết ông chưa hề gặp. Sau này gặp rồi, ông càng nhiệt tình giúp đỡ, nhưng tôi biết đã có trường hợp ông Chiêu nhiệt tình giúp đỡ, rồi thì cũng nhạt nhẽo lắm. Ông bảo: “Mình biết văn nó thì nói cho nó, chứ bây giờ ít anh đọc văn nhau lắm, lại càng hiếm đọc cánh trẻ”
Nguyên mẫu cho một nhân vật của cuốn tiểu thuyết “Một thời để nhớ” của ông, tôi cũng biết. Trong ký ức buồn thảm của thời bao cấp ở thị xã nhỏ bé, có thể đọc thấy tên người thật, việc thật thời đã qua. Nhưng có một nhân vật liên quan đến cuộc vượt biên, thì nhà văn đã nhặt được qua hồi ức của một người ở Hải Phòng. Mỗi lần đi qua Hải Phòng, ông Chiêu đều gặp anh ấy như người tri kỷ. Một nhà văn sống gần được với cuộc đời, quên mình là nhà nọ nhà kia như ông, cũng không phải là nhiều.
Ông Chiêu cũng không có lý gì chán ghét cuộc sống, ông ghét là ghét thời bao cấp, chứ không ghét chế độ. Ông đã là nhà văn kiêu hãnh đi nhiều nước, nhìn nhận cuộc đời với cái nhìn bao dung, hài hước. Tôi đã đăng báo những bài ông kể về nước Nga, nước Lào, nước Mỹ… Ông rất yêu tâm hồn Nga. Nước Nga với ông Chiêu như là một tri kỷ có mối lương duyên. Ông kể cho tôi nghe một lần ông và vợ đến nước Nga giữa lúc rối loạn, lạm phát, En xin đang liên tục cách chức thủ tướng, ông Chiêu đến một bảo tàng ở một nước Cộng hoà, nơi Phát xít Đức đã từng đánh vào đất Liên Xô đầu tiên trong những năm chiến tranh thế giới thứ hai. Những người đàn bà Nga vẫn cần mẫn hướng dẫn ông và ca ngợi Tổ quốc Nga, mặc dù họ bảo, họ đang rất nghèo khổ. Tại sao họ không chán ghét và chửi bới chế độ? Thì họ trả lời: “Vì chúng tôi tin tưởng chúng tôi sẽ vượt qua. Nguời lãnh đạo sẽ không ở chức ấy mãi, sẽ có người khác đưa nước Nga đi lên”. Khi ra ngoài, gặp một đám thanh niên chơi công viên, có 5 thanh niên nam nữ, nhưng chỉ có 4 điếu thuốc. Họ đang chia nhau thì ông Chiêu đi tới, một người tiến đến ông và xin ông 5 kôpek, ông có mấy rúp, đưa luôn cho họ, bảo cho luôn. Sau một lúc, họ mua thuốc lá xong, trả lại ông tiền, chỉ lấy đúng 5 kopek để mua một điếu thuốc. Cho tiền, họ lắc đầu… Tâm hồn nhà văn trong ông bị lay động mạnh, ông Chiêu bảo tôi: “Tại sao con người Nga nhân hậu và chất phác như vậy? Vì một nền văn hoá”. Ông Chiêu nói: “Cậu là nhà văn, lúc ấy cậu có nghĩ đến nước mình không? Trông người lại nghĩ đến ta, chúng ta đang ở đâu trong bản đồ văn hoá nhân loại?”
Tôi đã đọc bài báo ông Chiêu kể đi thăm bức tường ghi tên lính Mỹ chết trong chiến tranh Việt Nam, ông Chiêu bảo: “Nhiều người viết về nó lắm. Còn tớ thì chỉ nghĩ, tại sao mình không học tập ngay người Mỹ. Nó khoa học đến mức không bỏ quên tên ai, còn mình thì bao nhiêu người bỏ xương máu vì Tổ quốc mà thành vô danh? Sao ta không học nó ngay đi”.
5.
Năm 2007 có lẽ là năm vận hạn của nhà văn Tô Đức Chiêu. Ông bị va xe máy, rồi ốm lên ốm xuống, vào bệnh viện mấy lần. Sức vóc đã hao gầy hơn nhiều. Mắt thì sau vụ va xe, phục hồi rất chậm. Tôi đến ông, thấy ông buồn lắm. Câu đầu tiên là: “Không viết được nữa rồi, không đọc được nữa rồi, mày ơi”
Tôi thường nghe thấy trước kia ông Chiêu hay nói: “Khoẻ gì tao, viết gì tao, chết đến nơi rồi” mà báo vẫn viết, sách vẫn ra. Nhưng bây giờ, có lẽ ông Chiêu yếu thật, chứ không phải là thường.
Ngồi một phút, ông bảo: “Hội mình chán quá, không khí nó cứ rời rạc, rã đám thế nào ấy”. Tôi bảo: “Ôi anh ơi, anh thế này, lo nghĩ gì việc Hội nữa cho mệt”
Ông bảo: “Tao đã bảo lão Thỉnh, thôi tôi nghỉ hết, không tiểu thuyết sơ khảo gì nữa. Mà phải nghỉ thật chứ dỗi diếc gì đâu. Cô Khuê làm tốt quá chứ”
Tôi nhìn thấy nỗi buồn của ông nhà văn này. Nhiều năm ở báo Văn Nghệ, rồi ở Văn phòng Hội, dù sao đó cũng là nơi gắn bó một phần đời, nơi ấy đã lấy đi một phần đời mình. Giờ thì cái nơi ấy tâm thế xào xạc sao không buồn cho được. Ông Chiêu nói: “Giờ chỗ ấy nhiều siêu nhân quá”.
- Lê Văn Thảo, người lữ hành lặng lẽ (19/03/2017 | 06:09:00)
- Nhà văn Trường Thanh, người hồn nhiên cuối cùng... (09/02/2015 | 01:12:00)
- Hoàng Thế Sinh hoang dã cùng Yên Bái (06/11/2014 | 03:09:00)
- Nếu không vướng vào văn - Nhà thơ Trần Quốc Toàn, nhà giáo, ngườ thày... (06/11/2014 | 03:07:00)
- Nếu không vướng vào văn- Nhà văn Đào Quang Thép (06/11/2014 | 03:07:00)
- Nếu không vướng vào văn- Nhà văn Hà Phạm Phú (06/11/2014 | 03:06:00)
- Nhà thơ Đỗ Trung Lai- Thi sĩ hát thơ (06/11/2014 | 03:06:00)